Co-parenting: khái niệm ở Việt Nam còn lạ lẫm

(Bài viết trên Facebook bạn Dương Việt Hồng, về chủ đề co-parenting – cùng nuôi dạy con đối với các cặp vợ chồng đã ly hôn. Bạn Hồng để chế độ friend nên tôi lưu lên đây cho tiện đọc. Tôi tin nhiều người cần thông tin hữu ích này, nhiều người quan tâm chủ đề này mà thiếu thông tin hoặc thiếu 1 không gian trao đổi về chủ đề này. Cấn Đình Việt)

Ở nước mình, khi bố mẹ chia tay nhau, thì mặc nhiên người ta coi là con “có mẹ thì mất bố” “có bố thì mất mẹ”, chấm dứt quan hệ giữa vợ và chồng đồng nghĩa với có một ông bố/bà mẹ ra đi và sẽ xa cách trong quan hệ với con cái. Sẽ có một người nuôi con chính và thường được gọi là single mom hay single dad.
CÁC SUY NGHĨ CỔ HỦ
Tại sao lại phải như thế?
Vì căm hận người vợ/chồng nên bắt họ “trả giá” bằng cách chia cắt con khỏi họ?
Vì không yêu nhau nên một trong hai người sẽ không có quyền/trách nhiệm yêu và chăm sóc con?
Vì cuộc sống mới của hai bố mẹ có thể có sự xuất hiện của người khác và người này không cho mình chăm sóc con như mình muốn?
Vì không ở trong cùng một mái nhà nên không thể yêu và chăm sóc con được?
Vì hai người bố mẹ phải tỏ ra ghét nhau, xa cách thì mới là chia tay đúng nghĩa?
Bullshit! Tất cả là nguỵ biện.
Đành rằng con cái được hạnh phúc nhất khi hai bố mẹ sống cùng nhau trong hạnh phúc (chứ không phải trong đau khổ), nhưng một khi không may quan hệ giữa hai bố mẹ không thể tiếp tục, tại sao lại phải làm trầm trọng thêm tình hình bằng việc cố tình làm hỏng luôn cả mối quan hệ giữa mẹ-con hay bố-con?

Lý do lớn nhất thường là người bố và người mẹ đang bận đặt cái tôi của mình lên cao.
Không cho bố gặp con để trả thù bố nó. Như một người quen của tôi, anh ấy đến thăm con thì bị gia đình người mẹ xua đuổi, gọi cả công an. Đến trường nhìn con thì cô giáo bị người mẹ nhắc nhở không cho ông bố được tiếp xúc. Cái tôi của người mẹ được hả hê.
Lên mạng nói xấu vợ cũ như một vài người “tưởng là nổi tiếng” để lấy sự ủng hộ của “các công dân mạng” bất chấp việc con về sau sẽ biết mẹ nó bị nói xấu bởi chính bố mình. Cái tôi của ông bố được tôn cao.
CO-PARENTING
Trong khi đó, có một cách nuôi dạy con tốt nhất sau khi bố mẹ chia tay, đã được các nghiên cứu khẳng định, đang ngày càng phổ biến và luật hoá ở vài quốc gia, là “Co-parenting” (“Đồng nuôi dưỡng”) nôm na là hai bố mẹ cùng có trách nhiệm trong việc nuôi con, dạy con và cùng tham gia vào các quyết định về con, không ai là người nuôi dạy chính. Bố mẹ không là partner của nhau nhưng vẫn trong cùng một đội nuôi dạy con.  
Trong hội nghị về chủ đề cùng nuôi dưỡng con tổ chức 7/2014 tại Bonn, Đức với sự tham gia của đại diện hơn 20 quốc gia gồm chính quyền, các nhà khoa học, người làm công tác thực tế về trẻ em và các tổ chức phi chính phủ đã có sự thống nhất về co-parenting như:
– “Đồng nuôi dưỡng” được định nghĩa là sự chia sẻ cả về các quyết định và trách nhiệm trong việc nuôi dạy và đảm bảo sự an sinh của con hàng ngày, giữa bố và mẹ, phù hợp với tuổi và mức độ phát triển của trẻ.
– Việc có một người nuôi dưỡng chính không đáp ứng nhu cầu của trẻ và các gia đình ly hôn. “Đồng nuôi dưỡng” là loại hình TỐI ƯU cho sự phát triển của trẻ, bao gồm cả trẻ của những bố mẹ có mâu thuẫn cao. Thời gian cần có để đạt được sự ổn định cho trẻ và đạt các kết quả tích cực cần tối thiểu từ 1/3 tới một nửa thời gian trong tuần.
– Luật gia đình nên đưa ra cơ hội được lựa chọn hình thức đồng nuôi dưỡng, và hình thức này hoàn toàn phù hợp với các hiến pháp và quyền trẻ em
– Hình thức này cần được áp dụng cho đại đa số các gia đình chia tay nhau, kể cả các bố mẹ có mâu thuẫn cao độ, trừ các tình huống có liên quan đến bạo hành
CÁC NGUYÊN TẮC CHÍNH
1. Không đặt gánh nặng về tình huống khó khăn lên vai con. Trẻ không thể chịu được trách nhiệm như vậy, và khiến chúng cảm thấy bất lực, bất an, và tự nghi ngờ sức mạnh và khả năng của bản thân. Ví dụ tránh nói các câu như: “Nếu bố và mẹ không ở cạnh nhau nữa con phải mạnh mẽ lên”
2. Không yêu cầu trẻ giải quyết các vấn đề của người lớn. Chúng không có khả năng hiểu hết các vấn đề của người lớn. Ví dụ tránh yêu cầu con “Bố yêu cầu con không được làm điều a, b, c vì mẹ con không đồng ý làm điều x, y, z”.
Không được:
  • Không bao giờ làm hại mối quan hệ của con với người bố/mẹ còn lại
  • Không bao giờ sử dụng con làm “con tin” để trả thù người kia
  • Không bao giờ dùng con để khai thác thông tin hoặc điều khiển/gây ảnh hưởng lên người kia
  • Không bao giờ truyền cảm giác bị tổn thương hay giận dữ với người kia vào con cái
  • Không bao giờ bắt con chọn phe này hay phe kia khi lên lịch, lên kế hoạch
  • Không bao giờ biến các sự kiện chung có mặt bố và mẹ trở thành sự kiện căng thẳng
  • Không bao giờ phụ thuộc quá nhiều vào sự có mặt và hỗ trợ của con chỉ vì bạn bị tổn thương và cô đơn
  • Không bao giờ quá phụ thuộc tình cảm đến mức con cảm thấy có lỗi nếu con dành thời gian cho người khác và không ở cạnh mình được
  • Không bao giờ vì thấy có lỗi mà chiều chuộng, tiêu pha thái quá để thoả mãn nhu cầu vật chất của con
Hãy làm:
  • Cùng thống nhất và đưa ra kế hoạch rõ ràng, bỏ qua các khác biệt để tập trung vào đáp ứng nhu cầu của trẻ
  • Đồng ý với người kia không bao giờ hạ thấp người kia trước mặt con. Cấm con không được thiếu tôn trọng người kia, dù bản thân bạn rất muốn nghe điều đó đi chăng nữa
  • Nhất trí về lịch đưa con đến nhà người kia, ngày nghỉ lễ, các sự kiện….
  • Nhất trí về các giới hạn và dạy con cách cư xử để mọi thứ nhất quán dù chúng ở với bố hay mẹ vào bất kỳ lúc nào
  • Nhất trí về vai trò của ông bà, họ hàng và quyền chăm sóc của họ khi con đang ở với bố hoặc mẹ
  • Chủ động trao đổi với người kia về mọi khía cạnh của sự phát triển của trẻ
  • Nhận thức được rằng trẻ con khôn ngoan và thích xem giới hạn nằm ở đâu, đặc biệt khi có cơ hội có được cái gì đó mà bình thường ra chúng khó có thể có được
  • Tham khảo ý kiến của người kia trước khi kết luận hoặc kết tội khi có việc gì xảy ra
  • Dù về mặt tình cảm có thể đau đớn, nhưng phải đảm bảo cho người kia biết về những thay đổi trong hoàn cảnh sống của bản thân để con không phải là nguồn thông tin chính
  • Cam kết cư xử bình thường về mặt cảm xúc
NẾU NGƯỜI KIA KHÔNG ĐỒNG Ý
Như trên trang của Dr Phil nói, nếu người bố/mẹ còn lại không chịu cùng hợp tác với bạn, bạn vẫn phải làm. Người duy nhất bạn kiểm soát được đó là bản thân mình. Và nếu bạn chọn con đường này, về lâu dài, con cái sẽ cảm phục bạn về điều đó. Sẽ đến ngày khi chúng lớn lên, nhìn lại và nói: “Mẹ tôi/Bố tôi đã hành xử một cách cao đẹp, với lòng tự trọng và tôn trọng để tôi cảm nhận được tôi được yêu đến nhường nào, và đã muốn tôi có được sự yên bình trong cuộc sống tôi siết bao. Tôi rất trân trọng món quà đó”.
THỰC TẾ
Với con tôi, chúng tôi vẫn mãi là một gia đình, và tình cảm bố con, mẹ con không ai thay đổi được. Tôi tự hào khi chúng tôi vẫn là một team hợp tác ăn ý trong việc nuôi dạy, chăm sóc con và vẫn cùng hưởng niềm vui làm bố mẹ từ nhóc con đáng yêu của chúng tôi.
Có thể có người cảm thấy chúng tôi đang cố gắng tạo hình ảnh “gia đình hạnh phúc” trong khi thực tế bố mẹ sống hai nơi, nhưng sự thực là mỗi thời gian hai bố mẹ và con cùng đi chơi là thời gian thật sự rất vui vẻ của cả 3 thành viên. Tùng sau thời gian đầu thích nghi với sự thay đổi về nơi ở, giờ thoải mái khi nói Tùng có hai nhà và ở đâu cũng happy. Hàng ngày mọi hoạt động của con vẫn được trao đổi thường xuyên cho nhau nên không ai bị bỏ lỡ sự phát triển của con.
Hoặc cũng có người cảm thấy đây chỉ là tình trạng tạm thời, sẽ không thể duy trì khi cuộc sống có sự xuất hiện của người khác. Bản thân tôi luôn giữ nguyên tắc không để ai bước vào cuộc đời tôi nếu không tôn trọng cách nuôi dạy con của tôi và bố của con tôi, và tôi hiểu bố cháu cũng vậy.  
THAM KHẢO THÊM VỀ CO-PARENTING
Trên Web Trẻ Thơ cũng mới có một bố khởi xướng một thread về Đồng nuôi dưỡng, có cả đường link về tài liệu hướng dẫn các cha mẹ (bằng tiếng Anh): http://www.webtretho.com/forum/f22/lap-nhom-cac-ong-bo-ba-me-don-than-dang-cung-voi-chong-vo-cu-nuoi-day-con-cai-co-parenting-1913823/
Một số link tham khảo (bằng tiếng Anh):
Hãy nhớ rằng khi thế giới không hoàn hảo, không phải là số 1 thì cũng đừng biến nó về số 0 mà còn rất nhiều lựa chọn tốt đẹp khác.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s