Tác giả: Khúc Trung Kiến. Trích sử ký 10 năm FPT
Để trở thành một người FPT thực sự chỉ cần một điều kiện duy nhất: gắn bó và phấn đấu hết mình vì sự phát triển chung của FPT. Tuy nhiên để trở thành một người FPT nổi tiếng, ngoài điều kiện đó còn cần thêm ít nhất một trong số các điều kiện sau:
1 – Có tài năng trong một hoặc nhiều lĩnh vực: công nghệ, kinh doanh, thể thao, văn nghệ hoặc bất kỳ một hoạt động khác của công ty.
2 – Có thành tích cao và duy trì được thành tích đó tại đỉnh cao trong những lĩnh vực trên, nói cách khác phải là một “Leader”.
3 – Là một trong những người tham gia xây dựng công ty từ những ngày đầu thành lập, đặc biệt là trong số tám thành viên đầu tiên.
4 – Có một đặc điểm đặc trưng nào đó thật đặc biệt, không giống ai và không ai bắt chước được.
5 – Có một nỗi đam mê, tìm mọi cách (không phương hại đến lợi ích của công ty) để đeo đuổi đam mê đó, tốt nhất là trong một ngày đẹp trời nào đó biết cách làm cho nỗi đam mê của mình phù hợp với với đam mê của anh Trương Gia Bình hoặc anh Bùi Quang Ngọc.
Trong những người FPT đang còn ở công ty hiện nay, ngoài Ban TGĐ, có lẽ Giám đốc Trung tâm Hệ thống thông tin Đỗ Cao Bảo là người hội tụ nhiều nhất các yếu tố trên đây, hiển nhiên anh là một trong số những người FPT nổi tiếng nhất.
Lần đầu tiên tôi thực sự có ấn tượng về anh Bảo là từ năm 1995, vào một ngày không nhớ bối cảnh như thế nào, tôi được tham dự buổi anh Bảo trình bày về “Phương pháp 4H”, một ý tưởng nổi tiếng về việc tiếp thị và đeo bám khách hàng. Có lẽ nên có một lúc nào đó, chính tác giả sẽ trình bày lại một cách hệ thống về phương pháp này, rất đông những người bán hàng và tiếp thị của FPT hiện nay chắc chưa từng được nghe. Theo cách hiểu của tôi đây là một phương pháp bám đuổi, nhiều tầng, nhiều lớp đối với các khách hàng chiến lược. Phương pháp này có ưu điểm là việc tận dụng sức mạnh tổng hợp của FPT từ một nhân viên bình thường đến TGĐ và tất cả được thực hiện với sự với sự phối hợp của một nhân viên bán hàng cụ thể. Theo tôi đây là phương pháp hiệu quả nhất, đặc biệt với đặc điểm kinh doanh của FPT, nhất là của FIS.
Thực ra, chủ yếu không phải là nghĩ ra phương pháp đó, các quan điểm cơ bản đều có thể gặp ở đâu đó trong các sách vở, tài liệu về kinh doanh, tiếp thị và bán hàng,… Điều chủ yếu là ở chỗ anh Bảo đã trình bày lại một cách rất hệ thống, sinh động, dễ hiểu và bản thân anh đã có những biện pháp tổ chức để vận hành bộ máy kinh doanh của FIS theo tư tưởng đó. Những thành công của FIS phải chăng là hệ quả tất yếu của những nỗ lực kiên trì của anh Bảo để áp dụng phương pháp 4H.
Cộng với một phương pháp hợp lý và nhất quán, Đỗ Cao Bảo thực sự còn là một tấm gương về sự quan tâm đến khách hàng, không chỉ là khách hàng chung chung mà là từng con người cụ thể; không chỉ là các công việc có liên quan đến hợp đồng hay dự án mà là tất cả các vấn đề khác. Về điểm này, tôi được nghe kể lại một câu chuyện như sau: một lần khoảng 9 giờ tối, anh Bảo có điện thoại với một chị là kế toán trưởng của một khách hàng, qua câu chuyện anh biết ngày mai chị ấy khởi công xây nhà và anh Bảo đã nói ngay, đại ý là “nếu thế thì em phải đến chị xem sao”. Thực ra chuyên môn về máy tính và kinh doanh máy tính thì có liên quan gì đến nghề xây dựng? Mà nếu có thì tại sao lại nhất quyết phải đến ngay lúc đã là quá muộn? Tôi đã hỏi lại anh Bảo, và chính anh đã trả lời cho tôi: “Mình chẳng biết có thể giúp đỡ được gì, nhưng xây nhà là một chuyện rất quan trọng đối với một con người, mình đến vào lúc ấy chỉ là sự quan tâm tự nhiên”.
Quan tâm đến khách hàng là câu nói cửa miệng của bất cứ người bán hàng nào, nhưng để có được một sự quan tâm tự nhiên như anh Bảo chắc không mấy người làm được, không phải vì điều đó đòi hỏi một tài năng đặc biệt, mà nó cần đến một cái gì đó bình thường hơn nhưng cũng khó khăn hơn.